Nuôi con 'quẳng quẳng' đẻ ra con 'nẽ'

Những người tiên phong

Chị Hoàng Thị Ngọ ở khu 9 Tân Phú, tỉnh Phú Thọ có nghề buôn đủ thứ từ gà, vịt, ngan, ngỗng, lợn, bò đến các loại côn trùng như muôm muỗn, châu chấu, bọ xít, ve sầu, nẽ (sâu cọ hay đuông cọ).

Trước đây ở quê chị người ta thường chặt cọ lấy phần nõn nặng khoảng 4-5 kg để xào, nấu, hông hay làm nộm, phần thân bỏ không trên đồi. Sau 2-3 ngày những con “quẳng quẳng” nghe mùi bắt đầu bay đến, ăn no rồi chúng bắt cặp đẻ trứng vào luôn thân cọ bị đốn đó.

Chừng 1 tháng sau người ta vác dao ra chẻ thân cây cọ mục để tìm kiếm những con “nẽ” béo mầm, có khi được cả kg về rang với nước măng chua, chiên với lá chanh hay nướng chấm muối ớt, ăn thì rất tốn cơm, uống rất tốn rượu. Những ai bạo miệng chẳng cần phải chế biến cầu kỳ gì mà chùi qua con nẽ vào tay áo rồi bỏ lên miệng nhai luôn để cảm nhận vị ngọt béo của thân nó, độ giòn rụm của đầu nó:

“Trước đây người Mường mới biết ăn con nẽ tức đuông cọ, nay người Kinh còn ăn nhiều hơn, giá bán lúc thấp 200.000đ/kg, lúc cao 250.000đ/kg. Thấy tiềm năng, năm 2020 tôi bắt đầu thử nuôi bằng cách cho từng cặp bố mẹ đuông cọ vào chậu nhựa để ghép đôi, đợi 7-10 ngày sau trứng nở là bỏ cám ngô, mía, sắn, xơ dừa làm thức ăn.

Mùa đông cứ 40-45 ngày/lứa, mùa hè 25-30 ngày/lứa nên trung bình mỗi năm cũng nuôi được 10 lứa đuông cọ. Mỗi chậu nhựa thu được khoảng 1 kg đuông, trừ chi phí khoảng 30-40.000đ còn lãi được 160-170.000đ/kg. Tôi thường nuôi 15-20 chậu như thế, sau này bận buôn bán quá nên mới không nuôi nữa, chỉ còn em trai là Hoàng Văn Hoàn bắt đầu nuôi từ đầu năm nay”.

Vừa nói chị Ngọ vừa dẫn tôi đến cơ sở chăn nuôi đuông cọ của người em trai mình. Anh đang chuẩn bị 3 chậu kén để có con giống san ra 50 chậu nuôi thương phẩm sắp tới. Cạnh đó là một chậu nước với lũ đuông cọ thương phẩm đang bơi lóp ngóp bên trong.

Sau khi thu hoạch người ta thường thả đuông vào nước vừa để chúng nhả hết chất bẩn trong bụng ra, vừa để không cắn nhau khiến vỡ bụng chảy hết mất chất ngọt, chất béo. Đuông cọ nuôi thường hơi có mùi chua của cám nên trước khi xuất bán 3 ngày anh Hoàn ngừng cho ăn cám mà chuyển sang xơ dừa và mía để chúng thơm ngon, béo ngọt hơn:

“Tôi mới nuôi đuông cọ ở quy mô nhỏ thôi, đợt rồi vào 20 chậu thì 10 chậu để làm giống, 10 chậu nuôi thương phẩm, mỗi lứa thu được 5-10 kg. Giống ban đầu tôi mua ở Tuyên Quang với số lượng 100 đôi, giá 10.000đ/đôi, họ đóng hộp đực riêng, cái riêng và ship tới nhà. Khi giống về tôi xin thân cọ chặt ra trộn với cám ngô cho vào chậu, trên rải một lớp dày và kín rồi thả mỗi chậu 20 con đực, cái vào, thỉnh thoảng thêm vài quả chuối, vài múi mít cho chúng ăn có sức mà sinh sản.

Cứ để thế chừng mươi ngày, khi thấy những con đuông nhỏ bằng đầu tăm thì tách bố mẹ ra nghỉ vài ngày rồi lại cho phối giống tiếp. Sau 3 lần phối giống như thế đuông bố mẹ sẽ tự chết nên phải luôn có lớp hậu bị để thay thế. Đó là những con đuông thương phẩm nhưng không xuất bán mà giữ lại nuôi tiếp khoảng 15 ngày chúng sẽ cuốn thành kén, sau đó tự cắn kén để chui ra thành con bố mẹ, có cánh, có vòi.

Nuôi gà phải tốn nhiều tiền để mua thức ăn, còn nuôi đuông cọ chỉ tốn công đi xin cây cọ người ta bỏ trên đồi rồi chặt từng khúc mà chở về hay mua vỏ dừa ngoài quán nước với giá 200đ/cái. Tính ra chi phí để nuôi 1 kg đuông chỉ 20-25.000đ nhưng bán tại chỗ được 250.000đ/kg mà còn chẳng đủ hàng.

Đuông cọ gần như chẳng có bệnh tật gì chỉ có điều khi nuôi phải phòng con mạt muỗi, thứ không đốt người mà lại đốt đuông. Có thể dùng lá xả, lá bạch đàn vò ra để trên nắp chậu nuôi để xua đuổi chúng đi”.

Bắt đuông rừng về nuôi

Khác với anh Hoàn bỏ tiền ra mua giống đuông ông Nguyễn Văn Hùng ở khu 9 Tân Phú thường vào rừng cọ ở các xã Thạch Kiệt, Thu Cúc lúc mặt trời mới mọc để tìm đuông giống. Nấng lên là thời điểm mà các con đuông bố mẹ tìm đến đậu lên những thân cây cọ đổ, nhựa đã bắt đầu bốc mùi để tìm thức ăn và tìm bạn đời giao phối.

Khi thấy chúng ông dùng tay nhẹ nhàng bắt rồi bỏ vào cái chai Coca Cola 1,5 lít có đục vài lỗ nhỏ vẫn đeo kè kè ở bên hông. Hôm nào may mắn ông bắt được 40-50 con, còn kém hơn thì 15-20 con đem về nhốt vào thùng sơn cũ rồi cho vỏ dừa, củ sắn, cám ngô, gạo…hòa với nước làm thức ăn cho chúng.

Hiện ông đã nhân giống được 10 chậu như thế, lứa đầu có kén sắp nở, lứa thứ hai chuẩn bị cuốn kén, lứa thứ ba thì đang ủ: “Cái lợi của việc bắt con giống tự nhiên là không phải mất tiền mua nhưng lại con khỏe con yếu, con non con già, tỷ lệ đực cái không đều như mua giống. Theo tôi tỷ lệ đực cái 1/1 là chuẩn nhất. Mỗi con mẹ có thể đẻ được 200 trứng, ấp nở, nuôi là ra được 1 kg đuông thương phẩm.

Đuông chỉ ăn cây cọ chết chứ không ăn cây cọ sống, nuôi rất nhàn bởi không cần chuồng trại mà chỉ cần khoảng sân nhà có mái che mưa, che nắng là đủ. Với 10 thùng như hiện tại tôi chỉ mất 15-20 phút để chăm sóc mỗi ngày, trưa mở nắp xem bên trong có bị khô không, nếu có thì vảy vào ít nước, tối rọi đèn xem con bố mẹ lên ăn số lượng bao nhiêu, đực cái thế nào. Nếu mở rộng quy mô lên 100 thùng tôi vẫn có thể nuôi tốt bởi chỉ mất khoảng 1,5-2 tiếng chăm sóc mỗi ngày. Hiện đầu ra của đuông rất dễ, cứ đăng hàng trên facebook chừng 30 phút là họ đến lấy hết ngay, chẳng cần phải đi đâu xa cả”.

Đuông cọ hay còn gọi là mọt cọ đỏ, bọ sago, đuông dừa... là ấu trùng của một loại bọ cánh cứng thường sống trong phần thân và ngọn của cây dừa, cọ hoặc những cây cùng họ. Đuông có thân hình tròn, mập mạp, màu trắng sữa. Vòng đời của chúng bắt đầu là bọ cánh cứng, sau khi giao phối, bọ cái sẽ đẻ trứng vào các cây cọ đã chết, ăn hết phần lõi trong thân cây, khi lớn thì tạo thành kén, lại biến hóa ra con bọ cánh cứng.

Đuông cọ phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới châu Á, trong đó có Việt Nam, thường được tìm thấy ở các vùng trồng dừa, cau, cọ, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đuông được coi là một đặc sản ở nhiều vùng đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ và chúng thường được người dân dùng để chế biến thành nhiều món ăn như rang, chiên, thậm chí ăn sống.

Hiện, việc nuôi đuông cọ đang ngày một phát triển phổ biến tại Phú Thọ, đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là sinh vật nguy hại cần phải cấm nhân nuôi dưới mọi hình thức. Do đó, rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu để quản lý hiệu quả loại sinh vật này.

Theo Dương Đình Tường - Bảo Thắng/ NNVN 

Các tin khác