Chăm sóc chanh leo bằng điện thoại, quả sai trĩu
Cách đây một năm, khu đất rộng hơn 1 ha của gia đình anh Lò Văn Hưởng (xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La) trồng ngô ngọt. Sau khi được cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn (nay là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực IV thuộc Sở Nông nghiệp và Mô trường Sơn La) tư vấn về phát triển cây ăn quả. Anh quyết định chuyển hướng sang trồng chanh leo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và đầu tư đồng bộ hệ thống công nghệ hiện đại để chăm sóc vườn. Anh Hưởng mạnh dạn bỏ ra hơn 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Tháng 3 năm nay, hơn 1.300 gốc chanh leo được xuống giống trên diện tích 1,3 ha. Trước đó, toàn bộ khu đất được bón lót phân chuồng ủ hoai mục, phủ màng nilon để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. “Đầu tư hơn 100 triệu đồng cho cả vườn, tôi cũng khá đắn đo. Nhưng sau khi được phân tích rõ về hiệu quả của việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, tôi mới thật sự đặt niềm tin. Làm nông hơn chục năm rồi, giờ là lúc phải chịu thay đổi để hướng tới những kết quả tốt hơn thay vì luôn phải phụ thuộc vào thời tiết như trước”, anh Hưởng chia sẻ. Việc tưới nước cho vườn chanh leo được a Hưởng điều khiển bằng điện thoại, anh Hưởng dự kiến sẽ phát triển thêm hệ thống đo độ ẩm trong tương lai. Ảnh: Đức Bình, Hệ thống tưới bao gồm đường ống dẫn nước quanh vườn, đầu tưới nhỏ giọt, bể chứa, máy bơm và nguồn nước lấy từ giếng khoan. Sau khi mở van bơm, toàn bộ quá trình vận hành đều được điều khiển bằng điện thoại thông minh kết nối với hệ thống cảm ứng. Anh chia khu vườn thành 4 ô, mỗi ô khoảng 3.000 m² giúp kiểm soát tần suất tưới và lượng nước phù hợp với từng khu vực. Các thùng phi được xếp ngay cạnh bể chứa để phục vụ việc châm phân, thời điểm cây chanh leo bắt đầu ra quả tần suất tưới phân sẽ tăng lên. Sau một thời gian sử dụng, anh Hưởng cho biết hệ thống một chiều dễ bị tắc nghẽn do cặn tích tụ tại các mắt nhỏ giọt. Để khắc phục, anh chủ động khoan thêm một đường ống tạo dòng chảy hai chiều giúp hệ thống hoạt động ổn định và hạn chế tình trạng tắc. Anh Hưởng cũng sử dụng màng phủ nông nghiệp quanh gốc cây để giữ ẩm và kiểm soát cỏ dại. Giải pháp này giúp đất luôn tơi xốp, độ ẩm ổn định và không còn phải sử dụng thuốc trừ cỏ. Theo tính toán của anh, hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp màng phủ giúp tiết kiệm 30 – 40% lượng nước và giảm tới 60 - 70% công lao động so với cách tưới truyền thống bằng tay. Ông Nghiêm Quang Trung, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực IV cho biết, mô hình của anh Hưởng đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân trong vùng. Việc tự tìm hiểu, lắp đặt và điều khiển hệ thống tưới tự động cho thấy sự chủ động rất cao trong sản xuất. “Áp dụng công nghệ giúp nông dân tiết kiệm công sức, dễ quản lý và giữ được độ bền của đất. Đây là hướng đi cần được khuyến khích”, ông Trung đánh giá. Mô hình trồng chanh leo của anh Hưởng được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực IV (trước đây là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện) hỗ trợ kỹ thuật ngay từ đầu. Hiện cây chanh leo phát triển tốt, quả ra rất sai và đều, mẫu mã đẹp. Dự kiến đến tháng 9 năm nay vườn chanh leo của anh sẽ cho thu bói với năng suất ước đạt từ 20 – 25 tấn/ha. Giá thu mua hiện khoảng 50.000 đồng/kg. Theo Đức Bình/ NNVN |
Japo 3 Mùa giống lúa chiến lược chinh phục thị trường Nhật Bản
Temasek Foundation đồng hành cải tiến kỹ thuật canh tác lúa tại ĐBSCL
Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi
Nuôi lợn ngủ ngon nhờ vaccine Dacovac-ASF2 kết hợp kỹ thuật chăn nuôi không tiếp xúc
Sâu bệnh xuất hiện sớm trên lúa hè thu
Khẩn trương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng
Giống lạc chịu hạn đến từ Cuba
Hướng dẫn xử lý một số sinh vật gây hại trên mắc ca
Lúa thuần DK6 lấp lánh trên cánh đồng vàng
3 giống lúa của ThaiBinh Seed tỏa sáng trên đồng ruộng Vụ Bản